Tình huống: Tôi và gia đình hiện đang sinh sống trên đất do ba mẹ tôi để lại. Khi mất, ba mẹ lập di chúc miệng rằng cho tôi quyền sử dụng toàn bộ mảnh đất trên. Tuy nhiên, bây giờ anh trai tôi đòi chia lại mảnh đất. Vậy bây giờ tôi phải làm như thế nào để giải quyết tranh chấp đất thừa kế của ba mẹ tôi?
1. Di chúc miệng có hiệu lực pháp lý hay không?
Di chúc miệng là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc còn sống trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác. Đây là hình thức di chúc đặc biệt, do đó ngoài những điều kiện chung được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc miệng chỉ được lập trong những trường hợp nhất định và phải đáp ứng được một số điều kiện, cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì điều kiện quan trọng nhất là người lập di chúc phải có quyền lập di chúc miệng. Quyền lập di chúc miệng của cá nhân chỉ phát sinh khi cá nhân đó thuộc trường hợp tính mạng bị đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều này thì sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Thứ hai, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật này thì di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước ít nhất 02 người làm chứng và được người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ ngay sau khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng. Hơn nữa, người làm chứng phải không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Thứ ba, di chúc miệng phải được công chứng, chứng thực. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Theo đó, di chúc miệng phải đáp ứng đủ các điều kiện trên thì mới có thể được xem là hợp pháp và được áp dụng để chia tài sản.
2. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đất thừa kế
Như đã phân tích ở trên, di chúc miệng chỉ hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện chung về tính hợp pháp của di chúc và một số điều kiện đặt biệt của riêng loại di chúc này. Trong trường hợp của bạn để giải quyết tranh chấp đất thừa kế, có thể chia ra hai trường hợp như sau:
Di chúc miệng hợp pháp: Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 626 thì người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Do đó, trong trường hợp di chúc miệng của ba mẹ bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì khi ba mẹ bạn mất tài sản sẽ phân theo di chúc.
Di chúc miệng không hợp pháp: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Theo đó, căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật thì tài sản sẽ được chia theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần tài sản bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, trường hợp anh bạn cho rằng di chúc không có giá trị pháp lý thì anh bạn phải đưa ra được các chứng cứ chứng minh di chúc miệng do ba bạn để lại không đáp ứng được điều kiện được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về di chúc.
3. Thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp đất thừa kế
Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất thừa kết được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp đất thừa kế
Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất thừa kế bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Bản giám định di chúc hoặc các tài liệu khác chứng minh yêu cầu khởi kiện tranh chấp đất thừa kế là có căn cứ và hợp pháp;
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết khởi kiện tranh chấp đất thừa kế
Theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thì khởi kiện tranh chấp đất thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.
Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc nào hay cần hỗ trợ giải quyết tranh chấp đất đai, hãy liên hệ với Luật sư Trần Trọng Hiếu qua các phương thức sau:
Liên hệ theo hotline:
0903.95.4444 - Ls. Phạm Đức Huy là người trực tiếp tư vấn;
Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ:
Số 68 Hoàng Diệu, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh;
Liên hệ qua Zalo:
Zalo: 0903.95.4444 - LS Phạm Đức Huy
Liên hệ qua Email:
cskh@luattonghop.vn